Logo Phú Ngọc Land
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ PHÚ NGỌC LAND
svgImg

Khám phá quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc

17/04/2023 | 78 lượt xem

Thuyết ngũ hành là gì? Quy luật tương sinh, tương khắc, phản sinh, phản khắc như thế nào? Mệnh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ ứng dụng ngũ hành trong đời sống làm sao để tăng cường may mắn, kích hoạt tài lộc? Mời quý bạn đón đọc luận giải chi tiết dưới đây!

Quy luật ngũ hành

(Tìm hiểu về quy luật ngũ hành)

(Tìm hiểu về quy luật ngũ hành)

Từ xa xưa, khoa học phong thuỷ đã khám phá ra 5 loại vật chất trong thiên nhiên tương ứng với Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. 5 yếu tố này tương tác qua lại, chuyển động và biến đổi không ngừng, tạo thành một vòng tròn ngũ hành. Thuyết ngũ hành có đặc điểm cơ bản như sau:

  • Biến đổi: Hoả (Lửa) đốt cháy Mộc (Cây) thành tro bụi, lâu dần tro hình thành nên Thổ (Đất), Thổ (Đất) lại nuôi dưỡng những vật chất bên trong mình kết tinh thành Kim, sau đó Kim được khai thác và chế biến thành những đồ vật.

  • Luân chuyển: Nhờ sự hỗ trợ của Thổ (Đất) thì Mộc (Cây) sẽ lớn dần từ bé đến lớn. Trong quá trình biến đổi, cây sẽ được Thuỷ (Nước) làm nguồn dinh dưỡng để phát triển.

  • Chuyển động: Như nước chảy theo dòng đổ ra sông, lửa đốt cháy mọi thứ mà nó đi qua…

Ngũ hành được ứng dụng nhiều vào Kinh Dịch, triết học phong thuỷ, xem tử vi, chiêm tinh học, nhân tướng học, thiên văn học, vận mệnh 12 con giáp…

Quy luật tương sinh tương khắc trong ngũ hành

Ngũ hành biểu hiện sự tương tác qua lại giữa các yếu tố, tạo thành quy luật tương sinh, tương khắc. Trong đó, sinh - khắc luôn tồn tại song hành, trong tương sinh có mầm mống tương khắc và ngược lại, trong tương khắc luôn có sự hiện diện của tương sinh. Nhờ mối quan hệ sinh - khắc giữa các yếu tố mà mọi vật chất mới phát triển cân bằng, sự sống của vạn vật trên đất trời ngày càng đa dạng, phong phú.

Ngũ hành tương sinh

(Vòng ngũ hành tương sinh)

(Vòng ngũ hành tương sinh)

Quy luật tương sinh: Tương sinh được hiểu là sự hỗ trợ, thúc đẩy giữa hai yếu tố, hành này tạo tiền đề cho hành kia sinh trưởng và phát triển. Ngũ hành tương sinh giữa hai yếu tố bao gồm hai mối quan hệ là sinh nhập (Cái nó sinh ra) và sinh xuất (Cái sinh ra nó). Nguyên lý của quy luật tương sinh là:

- Thuỷ sinh Mộc: Nước là nguồn dinh dưỡng nuôi dưỡng cây cối lớn mạnh

- Mộc sinh Hoả: Cây khô làm nguyên liệu để đốt sinh ra lửa

- Hỏa sinh Thổ: Lửa đốt cháy vật chất thành tro bụi, lâu dần tạo thành đất

- Thổ sinh Kim: Kim loại hình thành trong đất

- Kim sinh Thuỷ: Kim loại khi bị nung chảy thành thể lỏng, thuỷ khí được sinh ra

Ngũ hành phản sinh

Giữa hai mệnh có sự tương sinh quá lớn sẽ không tốt, giống như nước làm nguồn sống cho cây cối phát triển, thế nhưng nước quá nhiều sẽ cuốn trôi, nhấn chìm cây. Cũng do đó mà ngũ hành phản sinh tồn tại. Nguyên lý phản sinh giữa các mệnh là:

- Thuỷ nuôi dưỡng Mộc phát triển nhưng Thuỷ nhiều sẽ cuốn trôi, nhấn chìm Mộc

- Mộc cháy sinh Hoả nhưng Mộc nhiều thì Hoả lớn sẽ gây hại

- Hỏa đốt cháy vạn vật tạo thành tro bụi sinh Thổ nhưng Hoả quá nhiều Thổ cũng bị cháy thành than

- Kim hình thành trong Thổ những Thổ quá nhiều thì vùi lấp mất Kim

- Thuỷ khí được sinh ra nhờ Kim bị nung chảy nhưng Kim quá nhiều thì Thuỷ bị đục

Ngũ hành tương khắc

(Quy luật ngũ hành tương khắc)

(Quy luật ngũ hành tương khắc)

Tương khắc là cản trợ và kìm hãm sự phát triển. Quy luật ngũ hành tương khắc bao gồm hai mối quan hệ là khắc xuất (cái khắc nó) và khắc nhập (cái nó khắc). Theo đó, nguyên lý của quy luật tương khắc là:

- Kim khắc Mộc: Kim loại chặt đứt cây cối

- Mộc khắc Thổ: Cây lớn mạnh phá vỡ đất

- Thổ khắc Thủy: Đất ngăn chặn dòng chảy của nước

- Thủy khắc Hỏa: Nước có thể dập tắt lửa

- Hỏa khắc Kim: Lửa đốt cháy, nung chảy kim loại

Ngũ hành phản khắc

Tương khắc giữa hai yếu tố mà khi cái nó khắc quá mạnh, làm nó bị tổn thương, không còn khả năng khắc hành khác nữa. Khi ấy tồn tại ngũ hành phản khắc, mối quan hệ phản khắc giữa các mệnh theo nguyên lý:

- Thổ khắc Thuỷ nhưng Thuỷ nhiều thì Thổ bị bào mòn

- Thuỷ khắc Hoả nhưng Hỏa nhiều thì Thuỷ cạn

- Hoả khắc Kim nhưng Kim nhiều thì Hoả bị dập tắt

- Kim khắc Mộc nhưng Mộc cứng thì khiến Kim gãy

- Mộc khắc Thổ nhưng Thổ nhiều thì Mộc yếu

Trong ngũ hành, mối quan hệ tương sinh, tương khắc, phản sinh, phản khắc luôn tồn tại song hành với nhau, có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống. Nắm bắt được nguyên lý của các quy luật sẽ giúp quý bạn có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về sự phát triển của vạn vật, con người.

5 yếu tố trong ngũ hành Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ

(Người mang mệnh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ)

(Người mang mệnh Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ)

Theo cổ học phương Đông, mỗi yếu tố trong ngũ hành sẽ đại diện cho mệnh của một người, đi kèm với đặc tính của mệnh nào sẽ biểu hiện được tính cách của người ấy.

Mệnh Kim

Người mệnh Kim có năm sinh: Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985), Nhâm Dần (1962 – 2022), Quý Mão (1963 – 2023), Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (2001), Giáp Ngọ (1954 – 2014), Ất Mùi (1955 – 2015), Nhâm Thân (1992), Quý Dậu (1993), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971).

Kim đại diện cho kim khí, khoáng sản có màu trắng, bạc...như than đá, kim loại...Mệnh Kim trong ngũ hành có đặc tính sắc nhọn, cứng rắn, vì thế mà người mang mệnh Kim có bản tính mạnh mẽ và quyết đoán. Họ có ý chí sắt thép và ước mơ, hoài bão lớn. Hơn nữa, Kim được ẩn sâu trong lòng đất nên mệnh chủ Kim có tính kiên trì và bền bỉ cao.

Mệnh Mộc

Người mệnh Mộc có năm sinh: Nhâm Tý (1972), Quý Sửu (1973), Canh Dần (1950 - 2010), Tân Mão (1951 - 2011), Mậu Thìn (1988), Kỷ Tỵ (1989), Nhâm Ngọ (2002), Quý Mùi (2003), Canh Thân (1980), Tân Dậu (1981), Mậu Tuất (1958 - 2018), Kỷ Hợi (1959 - 2019).

Mệnh Mộc biểu tượng của thiên nhiên, cây cối đâm chồi nảy nở, vươn cao hướng về phía ánh sáng. Những người mang mệnh Mộc có tâm hồn lãng mạn, yêu đời, họ gần gũi và sống cởi mở, hoà đồng. Đồng thời, mệnh Mộc còn có khí phách hiên ngang, tràn đầy sức sống, họ luôn có cái nhìn tích cực và hướng về những điều tốt đẹp.

Mệnh Thuỷ

Người mệnh Thuỷ có năm sinh: Bính Tý (1996), Đinh Sửu ( 1997), Giáp Dần (1974), Ất Mão (1975), Nhâm Thìn (1952 - 2012), Quý Tỵ (1953 - 2013), Bính Ngọ (1966 - 2026), Đinh Mùi (1967 - 2027), Giáp Thân (2004), Ất Dậu ( 2005), Nhâm Tuất (1982 - 1922), Quý Hợi (1983 - 1923).

Mệnh Thuỷ là nước, những gì thuộc thể lỏng. Thuỷ là yếu tố đầu tiên được tìm thấy trong thuyết ngũ hành (Theo vua Phục Hy - Trung Hoa cổ đại), Thuỷ được xem như là cội nguồn của sự sống.

Người mang mệnh Thuỷ thông minh, bản lĩnh và lý trí, họ có tư duy tiến bộ, nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá. Mệnh Thuỷ còn có tài ăn nói, giao tiếp khéo léo, giỏi xử lý tình huống. Họ dễ cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với người khác.

Mệnh Hoả

Người mệnh Hoả có năm sinh: Mậu Tý (2008), Kỷ Sửu (2009), Bính Dần (1986), Đinh Mão (1987), Giáp Thìn (1964 - 2024) , Ất Tỵ (1965 - 2025), Mậu Ngọ (1978), Kỷ Mùi (1979), Bính Thân (1956 - 2016), Đinh Dậu (1957 - 2017), Giáp Tuất (1994), Ất Hợi (1995).

Hoả đại diện cho sức nóng, biểu tượng là ngọn lửa bốc cháy rừng rực, mang theo sức sống mãnh liệt, quyền lực và sự uy phong. Người mang mệnh Hoả năng động, sáng tạo, đa mưu túc trí. Họ lan tỏa sự ấm áp và tinh thần khí thế đến với mọi người.

Mệnh Thổ

Người mệnh Thổ có năm sinh: Canh Tý (1960 - 2020), Tân Sửu (1961 - 2021), Mậu Dần (1998), Kỷ Mão (1999), Bính Thìn (1976), Đinh Tỵ (1977), Canh Ngọ (1990), Tân Mùi (1991), Mậu Thân (1968 - 2028), Kỷ Dậu (1969 - 2029), Bính Tuất (2006), Đinh Hợi ( 2007).

Thổ là đất, nuôi dưỡng khoáng sản và mọi sinh vật sinh trưởng và phát triển. Người mệnh Thổ luôn điềm đạm, bình tĩnh. Họ là những người chính trực, thẳng thắn và đáng tin cậy. Ở bên cạnh họ, mọi người đều cảm giác an toàn và có điểm tựa vững chắc.

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm thì mỗi mệnh sẽ có những nhược điểm về tính cách. Khi ấy sẽ cần đến ứng dụng thuyết tương sinh trong ngũ hành. Thí dụ như: Người mệnh Hỏa nóng tính, hấp tấp và thường hay quyết định theo cảm hứng thì nên ứng dụng thêm yếu tố phong thuỷ thuộc hành Mộc, hành Mộc giúp mệnh Hoả cân bằng cảm xúc và gia tăng yếu tố may mắn. Bên cạnh đó, bản mệnh cũng nên rèn luyện hàng ngày, học cách lắng nghe, tu tâm tích đức thì cuộc sống sẽ gặp được may mắn, đại sự thành công.

Ứng dụng quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc vào đời sống

 (Chọn màu sắc hợp mệnh theo ngũ hành)

(Chọn màu sắc hợp mệnh theo ngũ hành)

Dựa vào ngũ hành, Trung Hoa cổ đại đã ghi chép ra được màu sắc, hình dạng tương ứng cho từng mệnh. Ứng dụng thuyết ngũ hành trong đời sống tạo ra sự cân bằng Âm - Dương, tăng cường năng lượng, sinh khí cho vạn vật.

Đối với phong thuỷ ngôi nhà, áp dụng quy luật ngũ hành cho việc xem hướng nhà:

  • Mệnh Kim hợp hướng Tây, Tây Bắc và hướng Tây Nam, Đông Bắc hướng của hành Thổ
  • Mệnh Mộc hợp hướng Đông, Đông Nam và hướng Bắc hướng của hành Thủy
  • Mệnh Thuỷ hợp hướng Bắc và hướng Tây, Tây Bắc hướng của hành Kim
  • Mệnh Hoả hợp hướng Nam và hướng Đông, Đông Nam hướng của hành Mộc
  • Mệnh Thổ hợp hướng Tây Nam, Đông Bắc và hướng Nam hướng của hành Hỏa

Bên cạnh đó, quy luật ngũ hành giúp gia chủ chọn được màu sơn nhà hợp mệnh. Ngôi nhà có màu phong thủy tương sinh sẽ giúp kích hoạt may mắn, tài lộc, gia đình hoà thuận, yên ấm và hạnh phúc.

  • Mệnh Kim hợp các màu trắng, xám, vàng nhạt và các màu mệnh Thổ
  • Mệnh Mộc hợp màu xanh lá cây và các màu mệnh Thuỷ
  • Mệnh Thuỷ hợp màu đen, xanh nước biển và các màu mệnh Kim
  • Mệnh Hoả hợp các màu đỏ, tím, cam, hồng và các màu mệnh Mộc
  • Mệnh Thổ hợp các màu nâu, vàng đậm và các màu mệnh Hoả

Khi lựa chọn vật phẩm phong thuỷ, quy luật sinh - khắc được áp dụng nhiều trong việc:

  • Chọn Vòng tay phong thuỷ hợp mệnh  Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ
  • Tìm kiếm cây cảnh phong thuỷ để bàn, trang trí nhà cửa…
  • Sim số phong thuỷ mang lại thuận lợi trong cuộc sống, giao dịch làm ăn
  • Hình xăm phong thuỷ cho các mệnh ý nghĩa

Trên đây là thông tin được chúng tôi chia sẻ đến quý bạn về thuyết ngũ hành. Quy luật ngũ hành, nguyên lý ngũ hành tương sinh, tương khắc, phản sinh, phản khắc giữa 5 yếu tố Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Hiểu được các quy luật và ứng dụng vào đời sống sẽ giúp quý bạn gia tăng vượng khí và năng lượng cát lành.

Cảm ơn quý bạn đã đón đọc bài viết!

(Nguồn lich365.net)

Bình luận

Nhận tin tức qua email Mới
0938.508.777 logo Liên hệ qua mail logo Liên hệ qua Zalo logo Chat trực tiếp qua Fanpage logo
double-up.png